26/9/16

VINH DANH VÀ THƯƠNG TIẾC TIẾN SĨ THÁI VĂN KIÊM

VINH DANH VÀ THƯƠNG TIẾC
TIẾN SĨ THÁI VĂN KIÊM
(10.02.1922 – 21.02.2015)


GS LÊ MỘNG NGUYÊN

Kính thưa ông Chủ Tịch,
Kính thưa ông Thư Ký vĩnh viễn,
Thưa các bạn Hội viên Hàn Lâm Viện Khoa Học Hải Ngoại Pháp,
Kính thưa các Bà, các Cô, các Cậu có mặt hôm nay…


Hàn Lâm Viện  Khoa Học Hải Ngoại giao cho tôi  một vinh dự lớn lao hôm nay để diễn tả nỗi lòng thương tiếc đối với một  người bạn đồng nghiệp, nhà văn Học giả Thái Văn Kiểm vừa vĩnh viễn ra đi,  với sự có mặt của gia đình người quá cố hôm nay tại trụ Sở HLVKHHN Pháp (15 rue La Pérouse – 75116 Paris (Séance du 20 mars 2015).

Hương Giang THÁI VĂN KIỂM, Tiến sĩ  Đông phương học  (1981), Tiến sĩ Quốc gia Văn Chương (Paris 1989) đã giữ chức Đốc-sự Hành-chánh, thượng  hạng dưới thời Bảo hộ An-nam, từ 1940 đến 1945 và sau đó làm   công chức tại Cao-ủy Pháp Đông dương.

Giám đốc Radio Huế và  Thông tin Trung Việt tại Huế từ 1949 đến 1952,  ông có dịp đưa lên Đài phát thanh bài  « Trăng Mờ Bên Suối » (Lune vague sur la source des montagnes) mà tác giả Lê Mộng Nguyên lúc ấy là một học sinh Trường Khải Định  chưa đầy 19 tuổi. Bài nhạc diễn tả  cuộc chia ly giữa hai đứa trẻ thương nhau trong thời khói lửa, hẹn gặp nhau lại một đêm cuối cùng bên bờ suối dưới ánh trăng mờ, trước khi người trai trẻ lên đường làm nghĩa vụ công dân. TMBS được truyền bá rất mau  qua các Đài Phát thanh Hà nội và Sài Gòn và  ngay trong các nước lân cận vùng Đông Nam Á… (Xem : Mondes et Cultures, Tome LXVI – 2007- VOLUME 1, LES SÉANCES, p. 133-134).

Trở lại cuộc đời công chức thuợng hạng và ngoại giao lẫy lừng : Tỉnh trưởng Khánh hòa và Ninh Thuận & Thị trưởng Nha trang năm sau, TVK  giữ chức Phó-Giám đốc văn hóa Bộ Giáo-dục và Bảo tàng Viện Quốc gia (Việt Nam) từ 1955 cho đến 1962. Giám đốc đài phát thanh Sài-gòn (1963), ông được chính thức bổ nhiệm vào Bộ Ngoại Giao và trong mười năm liên tiếp ông giữ  chức vụ hành chánh và ngoại giao, như báo chí và thông tin, văn hóa và pháp luật… Ông là nhân viên cao cấp của Tòa Đại Sứ VN tại Tunisie, từ 1966 đến 1968,  Dakar (Sénégal) : 1968 -1970, rồi tiếp theo là Kinshasa (Congo) :  1974 - 1975. Trong những năm làm việc tại Tòa Đại Sứ, ông giữ chức Cố Vấn văn hóa và ngoại giao (thuộc ngoại giao đoàn : Corps diplomatique).

Giai đoạn cuối cùng,  kể từ 1975 với SaiGon thất thủ, nước Việt Nam Cộng Hòa Tự Do bị xóa bỏ trên bản đồ Đông dương, TVK di cư qua Pháp để  tiếp tục làm việc (với tư cách một nhà trí thức phải từ bỏ nước VN Tự Do), tại Thư viện  Trường Cao đẳng Mỹ thuật ( École nationale supérieure des Beaux - arts de Paris) , đúng với sở thích hiếu học của một nhà văn lưu vong…

Tại Paris ông được bầu làm phó-chủ tịch (vice – président) Hội đoàn thân hữu Pháp-Việt năm 1980,  phó-chủ tịch Hội nghiên cứu văn hóa Đông dương năm 1982, Chủ tịch danh dự Trung tâm Quốc tế  nghiên cứu văn hóa Việt năm 1984, và cuối cùng được bầu  làm  Chủ tịch Hội những nhà văn viết tiếng Pháp, năm 1989. Ông là hội xã viên (membre associé) của Académie des Sciences d’outre – mer (Hàn Lâm Viện Khoa Học Hải Ngoại Pháp) từ ngày 07/12/1990 cho đến ngày 21/02/2015 là ngày ông mất lúc 93 tuổi (tại Việt Nam).

Thay mặt Hàn Lâm Viện Khoa Học Hải Ngoại, tôi xin gửi lời chia buồn rất cảm động đối với gia đình người quá cố là ông THÁI QUANG NAM, Cố Vấn văn hóa tại UNESCO và những bạn thân của TVK, cũng như tất cả những bạn Hàn Lâm Hải Ngoại có mặt  hôm nay, tại trụ sở Bác học : 15 rue La Pérouse – 75116 PARIS (Phiên họp ngày 20 tháng 03- 2015).

Qua những tác phẩm có tính cách uyên thâm mà TVK để lại cho chúng ta (rất nhiều : bằng ngoại ngữ và nhất là Pháp ngữ và Việt ngữ), tôi rất thích : VIỆT NAM GẤM HOA (en français textuellement : « Notre Pays le Vietnam brodé de nouvelles fleurs, do « Làng Văn » (La Cité culturelle) ở Canada xuất bản tháng  giêng năm 1997.  Ông viết sách này   với mục đích để lại cho đời những kỷ niệm của một nhà văn hoàn toàn phục vụ văn hóa dân tộc, và để cho nước ta có một tương lai đầy ánh sáng… Một cách tổng quát, tác giả muốn nói  qua   lời đề tặng : « Thân mến tặng  hiền đệ Gs-TS Lê Mộng Nguyên để lưu niệm  một đời phục vụ  Văn Hóa Dân Tộc và dệt gấm thêu hoa cho Tổ Quốc Việt Nam » Paris, mạnh Thu Đinh Sửu 4 octobre 1997 : Chữ Ký & Triện Son. Tác giả VNGH (Việt Nam Gấm Hoa) gọi tôi là hiền đệ (Cher frère cadet) bởi vì hai gia đình chúng tôi rất thân thiết. Thái Văn Kiểm lấy biệt hiệu Hương Giang (Fleuve des Parfums) vì muốn nhấn mạnh sự quan trọng của nơi ông ra đời (nơi chôn rau cắt rốn) là HUẾ (hay  Phú Xuân), ngày xưa kinh thành  nhà Nguyễn mà người sáng lập là vua GIA LONG (1802 - 1819).

Hương Giang THÁI VĂN KIỂM đã sống và phục vụ văn chương cùng  báo chí  trong hơn nửa thế kỷ, nói cho đúng là hơn 60 năm. Nhà học giả  không chọn phạm vi sáng tạo hay bình luận mà thôi, trái lại ông lúc nào cũng giữ thái độ một nhà phê bình đi sâu vào vấn đề mình học hỏi.

Trong chức nghiệp làm quan (theo nghĩa đẹp của danh từ), TVK có cơ hội đi thăm viếng chổ này chổ khác, để lắng nghe rất nhiều và quan sát bất cứ nơi nào. Bằng cách nhìn chăm chú mỗi phạm vi hoạt động, ghi lại những điều mình trông thấy một cách kỹ lưỡng, để một khi về nhà, có thể làm so sánh, xét tường tận mỗi một vấn đề. Động cơ xúc đẩy TVK suy nghĩ đến tận cùng và một cách thông minh, nằm trong sự khao khát tìm biết, tìm hiểu, càng ngày càng mạnh, càng lớn, càng bao la… Tình yêu tổ qưốc và nơi ông  ra đời, cọng thêm một thiên tư từ thuở nhỏ làm cho ông sáng suốt và cảm giác mọi vật và mọi người chung quanh mình còn sống hay đã  mất với thời gian. Đặc tính này của một người sưu tầm học hỏi,  đã giúp ông vượt qua nhiều trở ngại trong công việc tìm kiếm về văn hóa và văn minh của dân tộc Việt.
Mặc dầu phải sinh sống ở đất tạm dung sau khi Sài Gòn thất thủ, nhà văn THÁI VĂN KIỀM tiếp tục làm việc học hỏi không ngừng và kết quả là -  mặc dầu kiếp sống tha hương- ông  đã thi đậu hai bằng Tiến Sĩ : Tiến sĩ Đông – phương Học, Paris 1981 & Tiến Sĩ Quốc Gia Văn Chương  (Docteur d’Etat ès Lettres, Paris 1989). Đông và Tây đã gặp nhau trên đất Pháp qua con người đã làm vẻ vang cho dân Việt.

« Việt Nam Gấm Hoa » gồm có 32 Phần : để bắt đầu, tác giả diễn tả những con đường lớn và nhỏ ở VN vượt qua núi non, thành (vạn lý trường thành), thành lũy, sông lớn nhỏ, là nơi nhiều hẹn hò tình nhân, là nơi để lại những kỷ niệm không bao giờ quên trong tâm khảm. Tác giả để dành 8 Chương cho súc vật như con trâu, con cọp, con rồng, con rắn, con ngựa, con dê, con khỉ, con gà vân vân, cả thảy  12 súc vật tượng trưng. Ngoài ra, trong VNGH tác giả viết nhiều bài về các tác giả mà ông ưa thích : sách, thơ và những nhân vật , một cách thân ái và linh động… « Đọc Việt Nam Gấm Hoa như Nguyễn Hữu Nghĩa đã viết trong lời Tựa,… không phải chỉ là cưỡi ngựa xem hoa, mà là cùng với  Thái gia xắn tay áo, cuốc đất trồng hoa. Người đọc sẽ sống cùng với những tình tiết, nhân vật trong bài viết và trở thành một bông hoa trong dải gấm Việt Nam… » (Tháng I, 1997).

Trong « Bóng Xế Trăng Lu » (Le déclin du jour), học giả TVK  nói về Thanh Tịnh (sinh ngày 12/12/1913) - và  làng Mỹ Lý là làng bên mẹ của nhà thơ tác giả Quê Mẹ, nằm không xa một nhà Ga xe lửa cùng tên (Ga Mỹ Lý). Phía bên cha, làng tên là Dưỡng Nổ, tỉnh Thừa Thiên, gần cửa Thuận An. Thanh Tịnh làm việc trong văn phòng Hội Đô Thành Hiếu Cổ Huế với cơ quan văn hóa  Bulletins des Amis du Vieux Huế (1914-1944) mà hồi ấy mặc dầu còn nhỏ tôi thường tìm kiếm đọc. Trần Thanh Tịnh là một thi nhân nổi tiếng lúc tôi mới 9-10  mà rất ưa thích « Quê Mẹ » và tác giả là một người đầy phong cách mà tôi cảm phục… Tôi kính trọng tác giả QM (sinh ngày 12/12/1913) như một người anh cả : một trong những người em gái của Trần Thanh Tịnh (Trần Thị Yến là vợ của anh cả tôi tên là Lê Mộng Tùng). Như thế hai gia đình chúng tôi làm sui với nhau (sui gia). Cứ mỗi lần chị Tùng đi thăm gia đình tại làng Dương Nổ (Thôn Vỹ Dạ), Tỉnh Thừa Thiên, cạnh bờ biển Thuận An, chị rủ tôi đi theo để thi sĩ Trần Thanh Tịnh viết tặng Tập thơ « Quê Mẹ » đã bắt đầu nổi tiếng… Hồi ấy tôi còn nhỏ mà đã thích đọc thơ và làm thơ.Trong phòng nhỏ, tôi làm một collection : Lưu Trọng Lư, Thế Lữ, Xuân Dịêu, Vũ Hoàng Chương v.v (rất nhiều Tự Lực Văn Đoàn…và sau này có thêm TTKh). Thanh Tịnh sinh ngày 12/12/1913… THÁI VĂN KIỂM viết : « Nói tới nhà thơ Thanh Tịnh thì không thể quên nhà thơ PHAN VĂN DẬT sinh  ngày 17/08/1909, mất vào đầu năm 1988, hưởng thọ 80… » Sinh tại Phú Xuân, Hương Trà, Thừa Thiên : nhà ông không mấy xa Chợ Cống – Phú Xuân là nơi tôi ở hồi còn thơ ấu. Thi sĩ Phan Văn Dật  khi thấy tôi vào nhà, tiếp đón rất niềm nở và  cho tôi xem thư viện lớn trong nhà phần đông là những Sách Thơ mới xuất bản của nhiều tác giả nổi tiếng trong đó có nhiều bài của PVD trình bày rất đẹp và sáng suốt. Ngoài sách của chủ nhà đã và  vừa mới xuất bản. Tác giả « Bâng Khuâng » 1935 (Sensation vague, Mélancolique) viết tặng tôi mấy năm sau  một  bản còn mới có chữ ký tác giả và triện son : « Em có thể đến xem Thơ & Truyện tại chổ, bất cứ lúc nào vì tôi biết em nổi tiếng là một người hiếu học và thích thơ, nhạc và truyện nhất là của TLVĐ.
Thái Văn Kiểm viết  về  Phan Văn Dật : « PVD được nổi tiếng làm thơ hay là nhờ Tập Thơ « Bâng khuâng » (1935) trong đó có bài  Tiễn Đưa  rất hay và cảm động :

Ngày mai chàng lên đường
Thân gió bụi tuyết sương
Tối nay còn với thiếp
Xin cạn chén quỳnh tương
Chàng mặt áo nhung này
Thiếp vì chàng mới may
Thiếp dù xa chân ngựa
Tơ lòng theo chàng bay
Đừng nghĩ đến ngày mai,
Hôm nay biết hôm nay,
Thiếp đây mà chàng đó,
Chừng ấy là đủ rồi,
Ngày mai chàng ruổi xa,
Mặc kẻ nước mắt sa,
Yên ngựa rong đường thẳng,
Thức dậy lúc canh gà,
Ngày sau khi chàng về
Thiếp dù chống gậy lê,
Xin vì chàng dâng rượu,
Tình xưa, cạn chén thề.
Rồi bên chàng có thiếp
Giấc hòe cùng thiêm thiếp,
Yêu nhau đến trăm năm
Phong trần cho bõ kiếp.

Để chấm dứt, tôi xin viết tặng hương hồn anh Thái Văn Kiểm
những dòng thơ  sau bằng Pháp ngữ :

ODE dédiée à mon Ami l’écrivain disparu :
Tu es un ange venant du Paradis
Qui n’a fait qu’une brève apparition ici
Dans notre jardin de musique et de poésie
Et de reprendre ta route à tire-d’aile, à l’infini
Laissant ta famille et tes amis dans l’affliction
Ô Poète – écrivain, pourquoi es-tu parti avant l’heure ?
Dans l’autre monde, à mi-chemin de ton bonheur ?
Pour te dire adieu, je n’ai pu écrire de longs vers
Pour te pleurer, je n’ai rédigé que des phrases égarées
Je ne t’ai connu qu’au travers de ta vie d’exilé
À l’Académie nous renouons toutes nos amitiés
Au bord de la Seine enchantée
En regardant Notre Dame de Paris
Nous soupirons en nous disant
Qu’elle est belle au temps des cerises !
ADIEU mon frère, mon AMI !


Je vous remercie de votre attention

LE MONG NGUYEN
Pr-Docteur d’Etat en droit et Sciences politiques, Lauréat de l’Université Paris 1- Panthéon-Sorbonne, membre de l’Académie des Sciences d’Outre-mer