23/9/16

Lối Khác” của Hà Nguyên Du




“Lối Khác” của Hà Nguyên Du
hay là óc não và xương thịt của một thi nhân
_________________     Lê Mộng Nguyên *

   
 Để giới thiệu thơ Hà Nguyên Du, tôi xin trích những dòng sau đây mà Du Tử Lê - thay lời tựa - đã quan sát và  giải phẫu một cách  tinh vi cuộc đời mới của nhà thơ họ Hà, được định cư tại Hoa Kỳ năm 1990 (theo chương trình H.O. 5) : « Nơi cõi thịt xương mới này, mặt nào đó, đã mang lại đời thơ Hà Nguyên Du những lượng máu sáng tạo cần thiết, cho tiến trình tự hủy để tựu thành một lên đường khác.
 Tôi muốn gọi đó là sự hóa thân kỳ diệu của một con ngài, để trở thành cánh bướm. Tôi muốn gọi đó là phần thưởng vô giá của một ăn ở tốt đẹp, bất biến. Mặc dù, ánh sáng, mầu sắc, hình tượng  mở ra lần thứ nhất, đôi khi đã làm chóa mắt, choáng váng nơi cảm, nhận của họ Hà. Nhưng, vòm cao, sẽ là nơi cánh bướm bay lên. Chân trời, sẽ là nơi họ Hà đi tới » (tr. 7). Văn của người viết tựa ở đây cũng bị ảnh hưởng thơ Hà Nguyên Du, đánh nhiều dấu phết để chấm nửa câu, như muốn diễn tả (tương tự như văn thể  HND) một cách vừa cứng cỏi vừa đơn sơ, nhân tình và nhân tính :

Mất gì trên đôi tay thơ ?
Những con chữ nghiệt ngã, mờ mịt kia ?
Xuôi tay trắng nốt còn chia...
Ơi ! kinh khấn nguyện  chẳng lừa tâm thân

Em tưng tiu, bước xa, gần

Ta trên lối khác, sinh phần gương, sao...  (Lối Khác, tr. 13)

     Thơ óc não, thơ dệt bằng từ ngữ chọn lọc, thể văn nhiều lúc cần cù nhưng không kiểu cách, trong sự tìm kiếm một phương pháp diễn tả tình đời và tình người hoàn toàn đặc biệt, bao giờ cũng thiết thật, trung thành với lý tưởng, với quá khứ thương đau mà nhà thơ không muốn quên, với cuộc đời sống mới mà người đương xây dựng, can đảm và đầy hứa hẹn. Qua « Mấy Đoạn Sử Thi »  (Tr. 55-61), tác giả hồi ký ngày 13/09/77  (Mười Ba/Chín/Bảy Bảy, tr. 55) trong ngục tù của tinh thần và xác thể :
Tưởng như cá rục man, vi
Tưởng như chim rũ phơi thây trong lồng
Ai ngờ ra tạm cái khung
Hoang mang vây khép, phập phồng bủa giăng

     Còn nói gì đến ngày 07/07/82 (Bảy/ Bảy/Tám Hai, tr. 57) ông vẫn còn sống dưới chế độ chà đạp con người và tình cảm, cho nên sự toan làm giải thoát là mục đích của mỗi ngày :

Lò mò bước mạo hiểm cùng
Miệng chai nhỏ nhắn, mênh mông lọt vào
Tuổi tên vượt khỏi biên, rào
Bàn tay độ sẳn, nghĩa hào bao dung
Dẫu xô mà đỡ bằng không... ?

     Cho đến những ngày 16-23/11/90 (Mười Sáu & Hăm Ba / Mười Một / Chín Mươi, tr. 59) Hà Nguyên Du được trả về tự do và  từ hồi ấy, sinh sống tại Mỹ Quốc, quyết tâm đi tìm một « lối khác » cho đời mình. Nhà thơ diễn tả  nỗi mừng vui của kẻ vừa thoát địa ngục,  được chấp nhận vào cõi thiên đường, sáng lạng :

Thoát đi từng đợt , từng đoàn
Ta như kẻ chết phục hoàn hồi dương
Thoạt tiên ngỡ đúng thiên đường
Vỡ ra, dẫu thế còn hơn ngục nhà !
Dù cày, dù kéo vẫn là
Vẫn như bốn bể, sóng hòa tự do...

     Hà Nguyên Du là ai ?
Tôi hân hạnh biết nhà thơ qua Vương Thu Thủy (một nữ nghệ sĩ điêu khắc và thơ mà nhạc sĩ Trịnh Hưng đã giới thiệu cho độc giả  Nghệ Thuật, trong số 61, th. 04-1999) sau một chuyến đi từ Pháp qua Quận Cam vào khoảng tháng 05-1999, được thi sĩ Hà Nguyên Du và Tổng thư ký Trần Ngọc thuộc Trung tâm Văn bút Việt Nam (Hải ngoại) đón tiếp với sự có mặt của nhạc sĩ lão thành chủ tịch Nguyễn Hiền và những nghệ sĩ ở Cali (x. nhật báo « Miền Nam Cali » ngày 15 th. 05-1999). Lúc trở về Paris, VTT chuyển trao cho  tôi một bản thi tập « Lối Khác » do tác giả Hà Nguyên Du đề tặng (Tựa Du Tử Lê, Bìa Khánh Trường, Trình bày Đoàn Duy Hiệp, Phụ bản Cao Bá Minh, Lê Khánh Thư, Khánh Trường, Quang Trường, Nhạc Vũ Thành An, Hoàng Linh Duy, Trần Huy Đức, Đỗ Lễ, Ngô Văn Tín, Nhà Xuất bản Tân Thư, Hoa Kỳ 1998). Thi phẩm HND gồm có 91 bài (thật là phong phú) trong đó 15 bài được phổ nhạc. Thơ họ Hà như tôi đã nói  trên, rất kích thích tâm thần, nhưng đọc qua đọc lại nhiều lần quả thật  thích thú, và từ giây phút đó sẽ mến phục, mến cảm, mến yêu. Theo tiểu sử tóm tắt ở trang Bìa cuối, HND bắt đầu làm thơ từ hồi rất trẻ và đã đăng trên nhiều báo lừng danh ở quốc nội (trước ngày 30/04/1975) và hải ngoại (từ năm 1990) với bút hiệu Mộng Yên Hà. Ông là người đã sáng lập - cùng với Nhất Chính, Hoàng triều Dương, Nguyễn Thanh Tùng - Đông Tây Thời Báo năm 1992, đã cho in Trong Mùa Lá Xanh (sách tập hợp, 1970) và sẽ xuất bản : Anh Biết, Em Yêu Dấu (thơ), Bóng Trắng Trong Tâm Hồn Đen (tập truyện) và Cho Em Bài Sonnet (tuyển tập nhạc từ những bài thơ được phổ). Vừa rồi, thi bản Cho Tôi Bài Tango (thơ HND, Nguyễn Hiền phổ nhạc) đăng trong Nghệ Thuật số 64, th. 07-1999, tr. 52, được nhạc sĩ Lê Dinh khen ngợi (đó là một bảo đảm quan trọng cho tương lai). Trong số 65, th. 08-1999 (NT, tr. 31) vừa qua, chúng ta lại được thưởng thức thêm những câu thơ đẹp của Hà Nguyên Du trong Đã Rồi Một Cánh Chim Bay, như :

... Đâu rồi suối cũ, trăng xưa ?
Thêm ta chức tước, đâu vừa thiên hương

Nguyệt tà, dương xế, mây buông

Ta, em hát mãi, khúc buồn thiên thu...

     Tác giả « Lối Khác » không những đã đạt được một lối khác cho đời mình mà còn đạt được một lối khác cho thi ca Việt Nam. Hà Nguyên Du thi sĩ không tương tự với ai trong vườn thơ nước nhà. Tôi đã cố tìm kiếm và đọc lại các văn thi sĩ trong « Thi Nhân Việt Nam »(Hoài Thanh-Hoài Chân), trong 5 Bộ « Nhà Văn Hiện Đại »(Vũ Ngọc Phan), trong 9 Tập « Việt Nam Thi Nhân Tiền Chiến » (Nguyễn Tấn Long, Nguyễn Hữu Trọng), để đi tới một so sánh nào (có thể) với HND nhưng phải thú thật là rất khó khăn. Trừ phi Đoàn Phú Tứ (có lẽ) với mấy câu tuyệt vời trong « Màu Thời Gian »: Màu thời gian không xanh /  Màu thời gian tím ngát /  Hương thời gian không nồng /  Hương thời gian thanh thanh  mà theo Hoài Thanh-Hoài Chân :  « Người xem thơ cũng biết rằng đây là hình ảnh một đôi mẩu đời, nhưng hình ảnh mờ quá không thể đoán  những mẩu đời kia ra thế nào. Có khi cả ý nghĩa bài thơ cũng không hiểu rõ ».  Sự so sánh hơi quá đáng này phải chấm dứt ngay ở đây : bởi vì - trái với ĐPT - danh từ và từ ngữ của họ Hà rất sắc sảo, nhắm làm nổi bật bức tranh ông phát họa cho đời. Hình ảnh nhà thơ để lại cho hậu thế, với thể văn làm trội lên tình người, thật giống nét vẽ của Daumier trong thế kỷ thứ 19.
     Trong lãnh vực nhân tình, Hà Nguyên Du đã để gia đình trên tất cả, vì thi tập « Lối Khác » trước hết được tác giả « kính dâng hương hồn cha cho gia đình, mẹ, các em cùng vợ và hai con ».  Thân phụ yêu dấu của nhà thơ đã mất (vì chế độ bạo tàn) ngày 10/12/86, là một vết thương lòng không bao giờ hàn gắn :

Gọi con, cha trút hơi cùng...
Cha ơi ! vĩnh biệt nghìn trùng sinh ly
Bao lâu chăm sóc cận kề
Tưởng như cha khỏe cha về với con
Đâu ngờ cha mãi đi luôn
Con như muốn chết theo dồn nỗi đau...  (Mười / Chạp / Tám Sáu, tr. 58)

     May thay ! Hạnh phúc mới đã đến với nhà thơ trên đất khách quê người, và ngày 24/06/95 (5 năm sau lúc định cư tại Westminster-California), tuổi vừa tứ tuần, chàng gặp nàng trong một tình yêu vĩnh cửu :

Bốn mươi năm đã chẳng là...
Em chênh ánh nguyệt, anh tà bóng dương
Chảy chung ta, một dòng thương
Gói chung ta, gối canh trường, tử sinh
Đến đâu trên đoạn đường tình ?  (Hăm Bốn / Sáu / Chín Lăm, tr. 60)

     Đến “bạc đầu, răng long“ ? Hạnh phúc hiện tại, hạnh phúc tràn đầy ! Ngày 23/04/96, chỉ gần một năm sau ngày hôn phối, nhà thơ sung sướng được làm cha lần đầu :

Tôi mừng run, mắt rơi thưa

Khi con cất tiếng tu oa chào đời

Làm cha, cảm thú tuyệt vời
Đáng yêu, đáng sống làm người, nuôi con.  (Hăm Ba / Tư / Chín Sáu, tr. 61)

      Hà Nguyên Du làm thơ rất nhiều để ca tụng tình yêu xưa, tình yêu mới, tình yêu tự đáy lòng :  Thơ ta /  Xung động...  /  Ngục trần oan khiên  /  Thơ ta  /  Mãi ngát hương, hiền  /  Khai thông  /  Cho máu trăm miền về tim...  (Thơ Ta, tr. 10), vì :  Yêu người như một bài thơ  /  Cho ta thức trắng đêm chờ ý tuôn  (Yêu Người, tr. 12); và một khi đã yêu, chàng muốn đặt một vòng hoa hậu lên trên đầu nàng, xây dựng một biệt thự nguy nga cho riêng người yêu dấu :

Bàn tay có một ngón dài
Tim anh chỉ có một ngai cho nàng
Ngai cho em, chiếc ngai vàng
Tình cho em cả kho tàng trong anh
     ... Bàn tay có một ngón dài
     Đảo anh có một lâu đài riêng em
     Riêng cho em, một con tim
     Một kho báu quí chờ em trị vì  (Lối Khác, tr. 40-41)

     Nhưng giọt lệ chia ly hay mường tượng chia ly ám ảnh tâm hồn nhà thơ họ Hà, đeo đuổi hứng cảm của người thi sĩ đã từng sống biết bao trạng huống đau buồn nơi quê cha đất tổ, mỗi khi gặp gỡ người thương, một buổi chiều mưa gió :

Đôi mắt mưa buồn, đôi môi chợt tím
Xa cách ai ngờ nước mắt đầy vơi
Anh mơ ước thành loài chim bay đến
Bay đến bên em lau lệ sầu rơi  (Đôi Mắt Mưa, tr. 85).

Thôi thì thôi, cứ :  Khóc đi em cho nghiêng thành quách đổ  /  Khóc cho vơi nỗi khổ tự bao giờ  /  Cho anh còn tiếp tục với bài thơ  /  Cho anh nhớ muôn đời đôi môi tím  (Nhan Sắc, tr. 84). Cái khóc của nàng cũng đã thành một nguồn thơ rất lãng mạn của Hà Nguyên Du :  Giọt cuối em tràn ly ta  /  Sầu lai láng giữa muôn hoa ngạt ngào  / Em đi gió lộng chiều nao  /  Ngàn con bướm mộng rơi vào mưa hoang  (Giọt Cuối Em Tràn Ly Ta, tr. 47). Thơ tình mà đượm màu triết lý và êm đẹp như thế chỉ có tác giả “Lối Khác”mới sáng tạo được một cách “não lòng”(tr. 46) với họa sĩ Quang Trường (phụ bản, tr. 89) :

Rồi theo gió bạt mây ngàn
Tôi như hoang thú gọi đàn, bơ vơ
Say trăng rừng, tắm suối thơ
Hồn hoang lạnh mãi thêu tơ dệt vàng
Nghe tình như vết thương loang
Nghe tôi cáo phó, tôi tang chế buồn...

     Và còn biết bao những vần thơ hay đẹp tặng nàng, trong  một tình yêu muôn thuở mà nhà thơ ôm ấp ngày đêm :  Em cho gì giữa cơn mưa ?  /  Mà nghe nặng trút vì chưa muốn tàn !  (Ví Dầu Tình Ta, tr. 43), hoặc :  Em khóc tình ta  /  Em hòa mắt lệ  /  Em đi hoang phế  /  Anh đến dương tà  / Em khóc ngày mai  / Anh hoài ước vọng  /  Em khao khát sống  /  Anh thiết trần ai  (Em Khóc Ngày Mai, tr. 115). Trong“Em Và Mãi Mãi“õ (tr. 69), nhà thơ tự hỏi :

Đâu hạnh phúc trần gian mà ta đợi ?
Đời tàn phai rũ cánh mộng bay xa
Trong nuối tiếc tình cưu mang trọn kiếp
Em lấp đầy mãi mãi núi sông ta... 

Nhưng tình quê hương không bao giờ phai lạt, mặc dầu xa cách muôn trùng, người vẫn tiếp tục :
Mơ một đời về bên mái nhà
Tha hồ mình tắm nước quê thơm
Tình như huyết thống cây và lá
Ngàn năm thắm thiết mầm xanh đơm  (Mơ Hạt Bụi, tr. 100).

 Nhưng HND không quên được nỗi thống khổ của dân mình, của những người thân yêu lúc ông còn là tù nhân đày đọa của một chế độ khinh miệt nhân quyền :

Ơi ! quê nhà rách tủa áo, trơ thây !
Em ngọc quí chợt nhiên là sỏi cuội !
Mẹ vẫn thân cò mệt nhoài; hai buổi !
Ta gông cùm, tàn úa hết hoa niên !  (Một Bức Tranh, tr. 78).

Cũng như phần đông những đồng bào chúng ta đã phải bỏ nhà xa nước, kéo lê cuộc sống nơi quê người, ngày nào thi nhân lại không hướng mắt về cố đô, thành phố hồi xưa biểu hiệu của dân chủ tự do, của hạnh phúc của mỗi con người :

Sài gòn trong mơ, Sài gòn trong thơ
Ngày về xa không, ngày về có gần
Nước mắt em sa, nụ cười anh lịm
Dấu chấm than như cột cờ không chân !
     ... Sài gòn trong mơ, Sài gòn trong thơ
     Người về bao lâu, đời mẹ có còn
     Tóc rối em rơi, bạc đầu anh rụng
     Dấu chấm than như lệ hờn anh rơi !  (Sài gòn trong mơ, Sài gòn trong thơ, tr. 81-82) (Nguyệt san Nghệ Thuật, số 66, tháng 9-1999).

_________________________________________      Lê Mộng Nguyên

* Nhạc sĩ, GS Hàn Lâm Tiến sĩ Quốc Gia Khoa Học Chính Trị, nguyên Luật sư Tòa Thượng Thẩm Paris